Chích ngừa phế cầu: Tiêm 1, lợi 10

Phế cầu khuẩn là gì?

Phế cầu khuẩn Streptococcus pneumonia gây ra các bệnh nhiễm trùng tai, mũi, họng, viêm phổi,, viêm màng não và nhiễm trùng máu. Có 60% trẻ khỏe mạnh dưới 5 tuổi có phế cầu ở vùng hầu họng. Các xoang và khoang mũi cũng là những phần dễ nhiễm trùng trong cơ thể. Vì một nguyên nhân nào đó làm sức đề kháng suy giảm thì những vi khuẩn có sẵn sẽ tấn công cơ thể và gây bệnh. Một con đường lây truyền bệnh khác là tiếp xúc với các hạt nước bọt, dịch mũi… nhỏ li ti do người bệnh hắt hơi, ho… lẫn vào không khí.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là những đối tượng chính thường bị mắc các bệnh gây ra bởi vi khuẩn này. Thống kê cho thấy, tỷ lệ tử vong do viêm phổi là 5%, do nhiễm trùng máu là 20% và do viêm màng não là 30%.

Phế cầu là nguyên nhân chính gây ra viêm phổi ở nhóm tuổi dưới 5. Viêm phổi do vi khuẩn này gây sốt cao, ho nhiều đờm, có thể lẫn máu, đau ngực, đôi khi có tràn dịch màng phổi, tương tự như bệnh viêm phổi thông thường.

Vắc-xin là biện pháp phòng ngừa tốt nhất

penicillin từng mang lại hiệu quả cao trong điều trị các bệnh do nhiễm phế cầu. Tuy nhiên, hiện tại tình trạng kháng thuốc xảy ra khá nhiều và tiêm chủng chính là giải pháp hiệu quả nhất để bảo vệ các bé khỏi mối nguy từ vi khuẩn này.

Chích ngừa phế cầu: Tiêm 1, lợi 10

Vắc-xin phế cầu có thể được tiêm cho độ tuổi từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi và từ 2 tuổi trở lên

Khi nào bé có thể được chích ngừa phế cầu?

Từ 6 tuần tuổi, bé đã có thể được tiêm vắc-xin. Tùy theo độ tuổi, số lượng mũi tiêm mà bé cần sẽ khác nhau.

  • Dưới 7 tháng: Bé cần tiêm 3 mũi chính, 1 mũi nhắc lại.
  • Từ 7 đến dưới 12 tháng: Bé cần tiêm 2 mũi chính, 1 mũi nhắc lại.
  • Lớn hơn 12 tháng: Tiêm từ 1 đến 2 mũi chính và 1 mũi nhắc lại.

Có bao nhiêu loại vắc-xin? 

Hiện nay, tại Việt Nam có 2 loại vắc-xin khác nhau được dùng cho các nhóm tuổi khác nhau. Loại văc-xin đầu tiên, PCV 10 hay được biết đến với tên thương phẩm là Synflorix giúp ngừa được 10 chủng phế cầu khác nhau. PCV 10 được tiêm cho các bé từ 6 tuần đến 5 tuổi. Đây là loại vắc-xin có thêm tác dụng ngừa viêm phổi và viêm tai giữa.

Vắc-xin PPSV23 với tên thương phẩm là Pneumo23 tuy không có công dụng ngừa viêm phổi, viêm tai giữa nhưng có thể bảo vệ bé trước sự đe dọa của 23 chủng vi khuẩn phế cầu khác nhau. Vắc-xin này được sử dụng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên và chỉ cần chích 1 mũi duy nhất. Trong trường hợp trẻ bị giảm miễn dịch, có thể cần phải tiêm nhắc lại.

Các loại vắc-xin trên được bào chế từ các thành phần của vi khuẩn, nhưng không sử dụng vi khuẩn sống. Vì vậy, có thể chích các vắc-xin này cùng lúc với vắc-xin phòng ngừa các bệnh khác, không cần phải chờ cách ra 1 tháng như nhiều người vẫn nghĩ.

Để tăng hiệu quả bảo vệ, bạn nên cho con được tiêm cả 2 loại vắc-xin kể trên. Theo lứa tuổi khuyến nghị, PCV 10 nên được tiêm trước PPSV23. Lưu ý, mũi PPSV23 nên được chích sau mũi PCV cuối cùng khoảng 6 tháng.

Với chương trình Tiêm chủng mở rộng được triển khai từ năm 1981, trẻ em đã được bảo vệ tốt hơn khỏi các căn bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, không phải bố mẹ nào cũng nắm vững lịch tiêm chủng, hiểu rõ tác dụng của vắc-xin và biết những lưu ý khi đưa con đi tiêm phòng

Khi nào không nên tiêm vắc-xin?

Vắc-xin phế cầu không thích hợp cho những trường hợp có dấu hiệu dị ứng ở lần tiêm trước đó.

Ngoài ra, sau khi tiêm, các bé cũng có thể gặp phải một số phản ứng như sưng, đỏ, đau ở chỗ tiêm, sốt… Những trường hợp phản ứng nặng như khó thở, khan giọng, thở khò khè, nổi mề đay, nhợt nhạt, mệt mỏi, tim đập nhanh, chóng mặt cần được đưa đến bệnh viện để xử lý kịp thời.

Nhận biết các bệnh do phế cầu gây ra ở trẻ nhỏ

Thông thường, các bác sỹ có kinh nghiệm sẽ dựa vào lứa tuổi và biểu hiện bệnh để phán đoán bệnh có phải do phế cầu gây ra hay không. Tuy nhiên, để có kết luận chính xác sẽ cần phải có kết quả xét nghiệm và X-quang (trong trường hợp trẻ bị viêm phổi). Những biểu hiện viêm phổi, viêm não hay bệnh tai-mũi-họng do phế cầu khuẩn gây ra cũng có biểu hiện tương tự như bệnh gây ra bởi những tác nhân khác. Thế nên, điều bố mẹ cần làm là theo dõi kỹ các biểu hiện bệnh của con, từ lúc mới bắt đầu với những triệu chứng đơn giản và phổ biến nhất như sổ mũi, sốt và đưa con đi bệnh viện ngay khi thấy dấu hiệu bệnh nặng lên. Trong bất cứ trường hợp nào, chỉ cần bạn cảm thấy bất an trước bệnh tình của con thì hãy đưa bé đi bệnh viện ngay và tin tưởng vào bản năng làm cha mẹ của mình.