Dấu hiệu nhận biết bệnh về mắt ở trẻ sơ sinh
Phần lớn được sinh ra với đôi mắt khỏe mạnh. Các bé có thể phát hiện luồng ánh sáng ở gần mình. Trong những ngày đầu đời, bé chỉ nhìn được trong phạm vi 25cm và tầm nhìn của bé sẽ được tăng lên nhanh chóng. Ngay trong thời gian đầu tiếp xúc với con, mẹ có thể nhận ra dấu hiệu các bệnh về mắt như:
- Mí mắt đỏ và bị đóng ghèn: Đây là dấu hiệu của nhiễm trùng mắt
- Hai mắt không phối hợp cùng nhau: Dấu hiệu rối loạn sự vận động của các cơ mắt
- Con ngươi trắng: Cảnh báo ung thư vùng mắt hoặc đục thủy tinh thể
- Chảy nước mắt nhiều: Dấu hiệu tắc tuyến lệ
Một số trẻ có bệnh về mắt bẩm sinh và cần cần được chữa trị sớm
Các bệnh về mắt phổ biến
Tắc tuyến lệ
Nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến tình trạng mắt đỏ, nhiều ghèn chính là do chướng ngại vật trong ống dẫn lệ của bé khiến nước mắt không thể chảy xuống và tắc nghẽn gây ra. Đây là một bệnh về mắt tương đối phổ biến ở trẻ sơ sinh. Mẹ có thể thường xuyên vuốt dọc sống mũi, từ điểm khởi đầu là khóe mắt của bé đến điểm kết thúc là hai lỗ mũi để giúp làm thông tuyến lệ. Trong trường hợp bé bị tắc tuyến lệ nặng thì mẹ cần đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và đưa ra chỉ định thích hợp. Mẹ tuyệt đối không nên cho bé thông tuyến lệ ở những địa chỉ không uy tín và không chuyên về nhi khoa.
Những ngày đầu mới sinh, thường rất khó để phát hiện ra bé có bị tắc nghẽn tuyến lệ, mà phải đến hơn một tháng tuổi những dấu hiệu mới rõ ràng hơn.
Đục thủy tinh thể
Những em bé sinh non hoặc gặp một rối loạn nào đó như hội chứng Down sẽ thương gặp khó khăn trong khả năng nhìn. Khi mống mắt bị mờ, đục hay thậm chí là trắng, có thể đó là dấu hiệu bé bị đục thủy tinh thể và cần được chữa trị càng sớm càng tốt.
Cận thị
Với chứng cận thị, bé chỉ có thể nhìn trong phạm vi gần mà thôi. Đây là một bệnh về mắt do di truyền, và để phát hiện sớm, bé cần được đi khám mắt định kỳ khi tròn 6 tháng, 3 tuổi và trước khi vào lớp 1.
Viêm kết mạc do nhiễm khuẩn
Một số loại vi khuẩn có thể lây từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở và làm tổn thương đôi mắt của bé. Mẹ nên theo dõi kỹ và kiểm tra khả năng nhìn, nhanh chóng phát hiện những bất thường ở đôi mắt của con để xử lý kịp thời.
Viễn thị
Ngược lại với tật cận thị, viễn thị khiến bé nhìn được rõ những thứ ở xa nhưng lại không thể nhìn lại những vật ở gần. Thông thường, các bé sơ sinh thường bị viễn thị nhưng tình trạng sẽ giảm dần một cách tự nhiên. Đến độ tuổi lên 2, lên 3 nếu mắt không phát triển bình thường thì bé sẽ tiếp tục bị tình trạng viễn thị.
Lác, lé mắt
Các cơ mắt của trẻ sơ sinh chưa phối hợp tốt với nhau có thể làm cho mắt bé trông như bị lé hay lác. Tuy nhiên, sau một thời gian đôi mắt sẽ trở lại bình thường. Đối với trẻ trên 1 tuổi, tình trạng hai mắt không phối hợp đồng bộ, khi thì tụ lại một chỗ, khi thì nhìn về các hướng rời rạc với nhau có thể là hậu quả của cận thị, loạn thị và viễn thị. Do đôi mắt thường xuyên phải điều chỉnh dẫn đến tình trạng thị lực sút kém (nhược thị), bé chỉ còn nhìn được với thị lực 2-3/10 và phát hiện càng muộn thì tình trạng càng nặng.
Đối với trẻ sơ sinh, thật khó để mẹ khẳng định các bệnh về mắt. Một số tật về mắt như cận thị, nhược thị không được biểu hiện ra bên ngoài và bé cũng còn quá nhỏ, không thể nói cho mẹ biết vấn đề mình gặp phải. Chính vì vậy, mẹ cần đưa con đi khám kiểm tra sức khỏe đúng lịch hẹn theo các mốc quan trọng như 6 tháng, 1 tuổi, 18 tháng, 2 tuổi… để kịp thời phát hiện các bệnh về mắt và điều trị sớm cho bé.