Có rất nhiều bà mẹ vắt sữa ra bình hoặc trữ đông, để dành cho con bú. Đây là cách làm phù hợp với những bà mẹ phải đi làm, không có điều kiện cho con bú trực tiếp thường xuyên. Phương pháp này có ưu điểm là góp phần kích thích tiết sữa nhiều hơn và thuận tiện cho bé bú ngay khi mẹ không ở gần bé. Tuy nhiên nếu không biết cách vắt cũng như bảo quản sữa, các mẹ hoàn toàn có thể làm tổn hại đến sức khỏe của con.
Phương pháp vắt sữa trữ đông để dành cho con bú đang được nhiều bà mẹ lựa chọn.
Trẻ có thể bị nhiễm khuẩn nếu dùng sữa trữ đông không đúng cách
BS Nguyễn Thị Từ Anh, Trưởng Khoa Sơ sinh BV phụ sản Từ Dũ (TP.HCM) cho biết, sữa mẹ để trong ngăn mát tủ lạnh có thể dùng trong vòng 72 giờ. Sữa mẹ trữ đông có thể dùng được sau khi vắt trong vòng 2 tuần đến 6 tháng tùy thiết bị trữ đông.
“Việc vắt sữa mẹ trữ lạnh hoặc trữ đông cần đảm bảo các điều kiện vệ sinh thì mới an toàn cho trẻ. Đầu tiên, trước khi vắt sữa, bà mẹ phải rửa tay đúng cách và vệ sinh đầu vú. Dụng cụ vắt sữa và đựng sữa cũng phải đảm bảo sạch sẽ. Ngăn mát tủ lạnh hoặc tủ đông chứa sữa phải dành riêng để chứa sữa, không chứa thức ăn, thức uống khác để tránh vi khuẩn lây nhiễm sang. Nhiệt độ của tủ lạnh phải giữ khoảng 4oC và tủ đông phải đảm bảo ít nhất là -15oC và nhiệt độ ổn định. Nếu không tuân thủ đầy đủ các điều kiện trên, sử dụng sữa trữ đông cho con ăn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và một trong những nguy cơ dễ mắc phải nhất là nhiễm khuẩn đường tiêu hóa“, BS Từ Anh nói.
Một tủ lưu trữ sữa của các bà mẹ tại Bv Nhi Đồng 1.
Cũng theo BS Từ Anh, sữa đã rã đông hoặc làm ấm lại thì không được giữ lạnh hoặc đông lạnh trở lại, phải dùng hết hoặc đổ bỏ phần còn thừa. Sữa trữ đông dù vẫn từ bầu vú người mẹ vắt ra, tuy nhiên không tốt bằng sữa bú trực tiếp. Lý do là việc trữ đông sẽ làm mất đi lipase là men để tiêu hoá chất béo, giảm đi đáng kể các thành phần giúp chống lại các bệnh lý nhiễm khuẩn, giảm các dưỡng chất khác có trong sữa.
Ngoài ra, sữa mẹ thay đổi thành phần tùy theo tháng tuổi của con, phù hợp với nhu cầu phát triển của con. Vì vậy, bé bú sữa trữ đông vài tháng thì có thể không phù hợp về nhu cầu theo tuổi.
Sai lầm trong việc vắt sữa ra bình có thể khiến sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng.
Bú sữa mẹ tốt nhất và an toàn nhất là bú trực tiếp từ vú mẹ. Nếu mẹ phải đi làm thì có thể trữ sữa trong túi trữ sữa chuyên dụng, các hũ thuỷ tinh đã được luộc chín hoặc bình/hũ nhựa đã được tiệt trùng đúng cách.
“San sẻ sữa mẹ” – việc làm nhân văn nhưng ẩn chứa nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm cho trẻ
Nói về việc một số bà mẹ có thói quen chia sẻ sữa của mình cho những bà mẹ khác không may thiếu sữa cho con bú, hay cụ thể ở TP.HCM có hẳn một “tủ sữa miễn phí” do một bà mẹ tâm huyết lập ra, BS Từ Anh cho rằng, đây là việc làm nhân đạo, rất có ý nghĩa nhân văn. Tuy nhiên, việc làm này không được tùy tiện thực hiện mà chỉ được phép thực hiện ở ngân hàng sữa mẹ đúng tiêu chuẩn. Việc cho sữa một cách tự phát có thể khiến trẻ bị lây những căn bệnh truyền nhiễm từ người cho.
“Có nhiều bệnh truyền nhiễm có thể lây qua sữa mẹ như HIV, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C, HTLV (human T lympho trophic virus), CMV (cytomegalo virus), giang mai. Điều đáng nói là những bệnh lý này không có triệu chứng khi mới nhiễm bệnh hoặc chỉ biểu hiện khi sức đề kháng suy giảm, nên người phụ nữ cho sữa có thể đã mắc bệnh mà không hề biết”, BS Từ Anh chỉ rõ.
BS Hoàng Thị Tính, Trưởng Khoa Dinh Dưỡng Bv Nhi Đồng 1 chia sẻ về vấn đề vắt sữa trữ đông và san sẻ sữa hiện nay.
Cùng chung quan điểm này, BS Hoàng Thị Tính, Trưởng Khoa Dinh dưỡng BV Nhi Đồng 1 cho rằng sữa mẹ không nên phân phát như một thực phẩm đại trà ngoài đường, vì trong sữa mẹ vẫn có khả năng mang vi trùng, virus. Trẻ dưới 6 tháng tuổi sức đề kháng yếu, dễ bị bệnh nếu nguồn thức ăn không được kiểm soát chặt chẽ.
Ngoài ra, nếu kỹ thuật vắt sữa không đảm bảo vô trùng, dụng cụ đựng sữa không sạch, bảo quản không đúng cách thì sữa sẽ bị nhiễm khuẩn, có thể gây bệnh lý nhiễm khuẩn đường tiêu hoá cho trẻ. Nguy cơ lây truyền CMV qua sữa mẹ có thể lên đến 76%, HIV 42%, HTLV 25%.
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi thì sữa mẹ là nguồn thực phẩm và dinh dưỡng chính.
BS Từ Anh khuyên các bà mẹ cần cho trẻ bú sớm ngay sau sinh và cho bú nhiều lần trong ngày để có đủ sữa cho trẻ. Khi không đủ sữa mẹ, bà mẹ nên đến các cơ sở y tế để được nhân viên y tế hướng dẫn cách xử trí giúp tăng nguồn sữa mẹ. Nếu vẫn không đủ sữa mẹ thì dùng sữa mẹ hiến tặng đã được kiểm soát và xử lý đúng cách tại ngân hàng sữa mẹ chính thống.
“Hiện tại, ngân hàng sữa mẹ đầu tiên của Việt Nam đã khai trương tại Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng. Trong tương lai, sẽ có những ngân hàng sữa mẹ khác được triển khai ở Hà Nội, TPHCM” – BS Từ Anh cho biết.
Các bà mẹ đang được BS cung cấp kiến thức cần thiết trong việc nuôi con bằng sữa mẹ.
“Những nước trên thế giới có ngân hàng sữa mẹ với quy trình riêng: Người cho sữa sẽ được xét nghiệm rất chi tiết, loại trừ những bệnh lý có khả năng truyền nhiễm. Vì mang tính chất tự nguyện, bản thân người cho sữa cũng không được uống những loại thuốc có thể gây hại cho trẻ, không hút thuốc lá, hạn chế uống cà phê và rượu. Người nhận sữa cũng phải được tập huấn kỹ càng về cách quản lý sữa, vắt sữa” – BS Tính cho biết thêm.