Khi nào và vì sao trẻ bị dị ứng thời tiết?
Dị ứng là một cách phản ứng của cơ thể khi gặp những tác động của môi trường bên ngoài. Trẻ bị dị ứng thời tiết thường có biểu hiện dị ứng trong một dịp cố định nào đó trong năm, chẳng hạn như khi trời trở lạnh, khi một loại cây nào đó ra hoa, khi các loài nấm sinh sôi và giải phóng các bào tử vào không khí. Dị ứng thời tiết thường có nhiều biểu hiện khác nhau như tổn thương ngoài da và ảnh hưởng đến đường hô hấp.
Trẻ bị dị ứng thời tiết thường gặp các vấn đề về hô hấp
Những trẻ bị dị ứng thời tiết nói riêng và những trẻ bị dị ứng nói chung thường có sự ảnh hưởng của yếu tố di truyền làm cho cơ thể của bé luôn phản ứng quá mức so với người bình thường trước những tác nhân từ môi trường bên ngoài. Phản ứng dị ứng thực ra chỉ là một cách tự nhiên giúp cơ thể khóa tất cả các tác nhân dị ứng ở bên ngoài, nhưng không may là các phản ứng này lại cũng làm hại đến chính cơ thể của các bé.
Những biểu hiện dị ứng không khó để phân biệt, bao gồm:
- Thường xuyên bị nổi mẩn đỏ, phát ban, ngứa ngáy trên da
- Chảy mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, thở rít, thở khó
- Mắt đổ ghèn và sưng đỏ
Mẹ lưu ý, cảm giác ngứa và sưng trong họng thường không phải là do cảm lạnh mà là một dấu hiệu điển hình của dị ứng. Nếu thấy bé con có những biểu hiện trên trong một mùa cố định hay trước một hiện tượng thời tiết nhất định, mẹ nên nghĩ ngay đến việc trẻ bị dị ứng thời tiết.
Hiện tượng eczema cũng là một trong những chỉ báo cho thấy bé có nhiều khả năng cũng sẽ bị dị ứng thời tiết. Tuy nhiên, eczema không phải lúc nào cũng có liên quan đến vấn đề dị ứng.
Mẹ có từng nghe qua bệnh chàm Eczema ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không? Eczema không đơn thuần là cảm giác ngứa ngáy ở da mà nó còn dẫn đến tình trạng viêm da làm cho da bị khô và bong vẩy. Cùng MarryBaby tìm hiểu nguyên nhân, cách chữa trị và ngăn ngừa cho bé nhé!
Hen suyễn hay dị ứng thời tiết?
Những biểu hiện dị ứng thời tiết thường bị nhầm lẫn với hen suyễn và ngược lại. Đó là bởi vì các bé bị hen suyễn cũng có khả năng bị dị ứng thời tiết rất cao. Tuy vậy, đây là hai hiện tượng khác nhau. Trong khi hen suyễn là một vấn đề mãn tính xảy ra ở phổi thì dị ứng lại là vấn đề của hệ miễn dịch. Các bé bị dị ứng không hẳn sẽ bị hen suyễn.
Vấn đề của các bé hen suyễn nằm ở chỗ, khí quản thường bị hẹp và có phản ứng càng thu hẹp hơn khi tiếp xúc với các tác nhân gây ra cơn hen. Đó thường là do:
- Luyện tập quá sức
- Không khí lạnh
- Virus
- Ô nhiễm không khí
- Một số loại mùi hương
- Và cuối cùng, các tác nhân gây dị ứng.
Như vậy, các tác nhân gây dị ứng như bụi, lông động vật, bào tử nấm, phấn hoa, nhựa cao su, một số loại hóa chất và một số thực phẩm không chỉ khiến cho các bé phải chịu những khó chịu do dị ứng mà còn kích thích các cơn hen xảy ra.
Bệnh hen suyễn ở trẻ em thường phát triển thành mãn tính khiến bé khó thở, mệt mỏi, xanh xao trong nhiều năm, kèm theo đó thường là tình trạng chậm lớn và thể lực yếu ớt.
Giúp con dễ chịu hơn khi đến mùa dị ứng
– Để giảm tình trạng khô, ngứa khó chịu trên làn da của các trẻ bị dị ứng thời tiết, mẹ nên dưỡng ẩm cho con hàng ngày. Đầu tiên nên lựa kem dưỡng ẩm phù hợp, tránh những thành phần kích ứng da hay tẩy rửa mạnh.
– Để trẻ không bị kích ứng da, mẹ nên hạn chế tắm nước quá nóng cho trẻ.
– Vệ sinh da sạch sẽ hàng ngày, đặc biệt là những ngày nóng dễ đổ mồ hôi.
-Chọn chất liệu quần áo thoáng mát để giảm khó chịu trên làn da con.
-Ngoài ra, mẹ cũng phải đảm bảo cho con một không gian vệ sinh. Bụi bặm dễ ngưng đọng trong những ngày lạnh cũng là một tác nhân khiến con dị ứng.
– Tăng cường cho trẻ uống nước, ăn hoa quả để bổ sung nước và chất đề kháng cho cơ thể. Hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp trẻ có sự thích ứng tốt hơn với thời tiết.
-Cách bảo vệ con tốt nhất trước vấn đề dị ứng vẫn là tìm hiểu tác nhân nào gây dị ứng và giữ con tránh xa chúng. Nếu bé bị dị ứng phấn hoa, mẹ chỉ nên trồng các loại cây cảnh xanh lá trong vườn nhà. Nếu bé bị dị ứng với lông thú, hãy cố gắng giữ bé trong nhà khi đến mùa các loại thú cưng hay thay lông…
Cuối cùng, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu sốt, ngứa nhiều gây thức giấc về đêm, tổn thương da ngày càng nặng, đỏ nhiều, chảy máu, đóng mủ, đóng vảy màu vàng. Trẻ bị dị ứng thời tiết kéo dài hơn một tuần cũng là lúc nên đi gặp bác sĩ. Ngoài ra, khi thấy dấu hiệu bất thường như dị ứng kết hợp ho, sổ mũi, sốt thì nên ngay lập tức đưa đến bệnh viện để điều trị kịp thời.